Truy cập

Hôm nay:
1024
Hôm qua:
6869
Tuần này:
7893
Tháng này:
386202
Tất cả:
8668656

Đền Bát Hải Long Vương trên miền di tích, danh thắng Bỉm Sơn

Bỉm Sơn là miền di tích, danh thắng, tín ngưỡng với những địa danh nổi tiếng như: hồ Cánh Chim, đèo Ba Dội, đền Sòng “thiêng nhất xứ Thanh” gắn với Lễ hội đền Sòng Sơn - Ba Dội, đền Chín Giếng... Ít ai biết rằng, trong bức tranh đa sắc, đa thanh ấy, đền thờ Bát Hải Long Vương (phường Phú Sơn, thị xã Bỉm Sơn) vẫn luôn bền bỉ sức sống, góp thêm mảnh ghép độc đáo, biểu tượng cho nét đẹp văn hóa - tín ngưỡng địa phương.

BHLV.png
Đền Bát Hải Long Vương tọa lạc trong một không gian thoáng đãng, cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, xanh mát bóng cây. Đây là nơi thờ phụng Vĩnh Công đại Vương, được Hùng Vương thứ 18 sắc phong thần hiệu là “Vĩnh Công Bát Hải Động Đình tôn thần”. Sách “Thanh Hóa chư thần lục” ghi chép: Vị thần được tôn thờ ở trang Phú Dương có hiệu duệ là “Bát Hải Long Vương tôn thần” - vị thủy thần hộ dân trên vùng sông, biển.
Thần tích kể lại rằng: Vào thời Hùng Vương thứ 18, ở vùng đất trong bãi bồi cửa sông Lâu xưa dân cư thưa thớt, nghề nông chưa phát triển, chủ yếu làm nghề chài lưới. Trong làng có một cô gái mồ côi cả cha lẫn mẹ, thường mò cua bắt ốc ven sông, được vợ chồng một ngư dân vùng bãi ngoài (Nga Sơn) nhận về làm con nuôi. Một lần nàng xuống tắm dưới sông Lâu, bỗng mây nổi, sóng cồn, một con Giao Long hiện lên quấn lấy nàng, sau đó nàng có thai. Một thời gian sau, trong đêm mưa gió, nàng sinh ra một cái bọc. Quá kinh hãi, nàng ôm cái bọc thả xuống dòng sông Lâu. Cái bọc ấy nhiều lần trôi đến bên bè của ông lão thuyền chài. Ông lão vớt lên, dùng dao rạch cái bọc thì thật bất ngờ từ trong chui ra 3 con hoàng xà (nửa rồng nửa rắn, mào đỏ, vẩy vàng) trong ánh hào quang tỏa ra chói lọi. Con lớn bơi thẳng vào bờ rồi biến mất. Hai con nhỏ bơi về phía cửa biển Thần Phù (Nga Sơn).
Cũng trong một đêm mưa to, gió lớn, sấm sét đùng đùng, dân trong vùng nghe âm vang tiếng nói khác thường từ cái giếng ven sông Lâu (nơi mà con hoàng xà lớn từng biến mất khi bơi vào bờ): “Ta là Thái tử Long cung, được vua cha sai lên giúp nước Nam đánh giặc”. Biết là có thần linh hiển báo, hôm sau, các bô lão trong làng đến bên bờ giếng đắp một ụ đất cao, thắp hương, cầu nguyện. Người dân đồng lòng đóng góp công sức, tiền của dựng một cái miếu thờ, gọi là miếu thủy thần để ngày ngày hương khói.
Giữa lúc thanh bình thì giặc phương Bắc tràn xuống bờ cõi nước Nam. Cánh quân thủy của giặc, vì có nội gián hướng đạo, theo 8 cửa biển lấn sâu vào nước ta với khí thế hừng hực, quan quân thua trận, rút dần từng bước. Vua lập đàn cầu, được ứng báo: Tại vùng bãi cửa sông Lâu, có kỳ nhân có thể đánh tan thủy tặc. Vua sai sứ giả về tìm, được dân làng đưa đến bến bên giếng. Chính tại giếng thần, hoàng xà hiện hình thành chàng trai lực lưỡng khôi ngô tuấn tú, theo thỉnh cầu của sứ giả mà linh ứng giúp nước, giúp dân đánh giặc phương Bắc xâm phạm trên 8 cửa biển, được vua phong Vĩnh Công đại Vương. Từ chối công danh, bổng lộc, Vĩnh Công xin được về quê để dạy dân khai hoang, rửa mặn trồng lúa, chài lưới, trồng dâu, nuôi tằm dệt vải, đồng thời cắt cử các quan đã từng theo đi đánh giặc trấn giữ tám cửa biển nước nam. Hằng năm, cứ đến dịp ngày đại thắng, các tướng từ nơi phục nhiệm của mình tề tựu trên đất Phú Dương để tâu trình về việc trông coi cửa biển, khai hoang lập ấp, xây dựng cuộc sống của cư dân. Cùng với đó, Vĩnh Công cho tổ chức bơi thuyền, thi vật, hát đúm khiến một vùng rộn ràng như vào hội... Vĩnh Công cùng tham gia hát đúm với người dân.
Một hôm, Vĩnh Công mời các vị hương lão trong làng Phú Dương đến dặn rằng: Ta cùng các vị là dân lân hương ấp, ăn ở với nhau như tình ruột thịt, nghĩa như cha con. Nay ta sắp phải vâng mệnh về chầu vua cha Lạc Long Quân. Nếu có nhớ đến ta thì nhà ta ở đây là miếu Sở, ngày ta đi sẽ là ngày giỗ”. Dân làng dâng biểu về kinh, vua thương xót ban phong thần hiệu “Vĩnh Công Bát Hải Động Đình tôn thần”, sai cấp tiền cho dân tổ chức táng tế chu đáo và sửa sang nơi ở của thần thành miếu điện, rồi lại hạ sắc miễn thuế cho dân lấy ân lộc ấy hằng năm mà hương khói.
Ngôi miếu thiêng thờ Bát Hải Long Vương được xây dựng thành ngôi đền khang trang vào thời Lê Trung hưng, sau đó đã trải qua trùng tu, tôn tạo. Theo các cụ cao niên trong làng, đền thờ Bát Hải Long Vương xưa được xây dựng theo kiến trúc kiểu chữ Đinh (J), gồm tiền tế và hậu cung. Năm 2009, đền Bát Hải Long Vương được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Theo thời gian, đền Bát Hải Long Vương xuống cấp nghiêm trọng. Trước thực trạng ấy, để đáp ứng nhu cầu văn hóa - tâm linh trong vùng; giáo dục và khơi dậy tinh thần yêu nước và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, năm 2018, đền được khởi công xây dựng, tôn tạo từ nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa. “Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống làng, xã vừa là trách nhiệm vừa thể hiện tấm lòng với quê hương, với các bậc tiền nhân. Nhận thức sâu sắc điều đó, khi UBND phường Phú Sơn kêu gọi công đức, đóng góp trùng tu, tôn tạo đền thờ thì nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa bàn, con em xa quê...”, bà Nguyễn Thị Mùi, công chức văn hóa - xã hội phường Phú Sơn chia sẻ. Đền được trùng tu, tôn tạo trên nền cũ, hướng mặt về phía sông Lâu. Nhà hậu cung có diện tích 180m2, được thiết kế hình chữ Đinh với hình thức bốn mái có đao. Phần mái (hoành, rui mè, tàu mái, lá mái) làm bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi hài. Cửa gỗ lim được làm theo dạng bức bàn “thượng song hạ bản”... Kết cấu công trình đơn giản nhưng gần gũi, lưu giữ được nhiều nét truyền thống...
Đền Bát Hải Long Vương lưu giữ nhiều giá trị lịch sử - văn hóa - tâm linh, trong đó không thể không kể đến lễ hội hằng năm diễn ra tại đây. Theo thần tích còn lưu lại, từ lệ cũ khi Vĩnh Công còn sống, hằng năm, các tướng đúng kỳ hẹn vẫn hội tụ về Phú Dương để dâng hương, tổ chức hội nhằm gợi lên không khí ngày đại thắng quân giặc năm nao, từ đó mà thành thông lệ, cư dân muôn phương đổ về, thành tâm chiêm bái và vui hội. Lễ hội đền Bát Hải Long Vương trở thành lễ hội truyền thống của địa phương, diễn ra trong 2 ngày 24 và 25/8 âm lịch. Lễ hội diễn ra với các hoạt động tín ngưỡng, văn hóa – văn nghệ đặc sắc, mang đậm sắc thái truyền thống, các hoạt động thể dục - thể thao quần chúng như: Lễ dâng hương, nghi lễ tế thần, múa lân mở hội, trang trí thuyền rồng, hạ thủy thuyền rồng, thi đấu bóng chuyền hơi, trò chơi đập niêu đất, chuyền bóng bằng muôi, hội diễn văn nghệ... Được biết, lễ hội đền Bát Hải Long Vương năm 2023 đã thu hút hơn 600 người tham gia...

Giữa nhịp sống hiện đại, trong những nỗi thấp thỏm, trăn trở về việc các di tích, giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống dần bị mai một, sức sống của ngôi đền và lễ hội đền Bát Hải Long Vương đã cho thấy sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành đối với hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích và thể hiện lòng tri ân sâu sắc của các thế hệ cháu con đối với công đức của tiền nhân, lòng thành kính với thần linh đã che chở, ban phước lành. Đó cũng là phần nào khẳng định sức sống đền Bát Hải Long Vương trong tâm thức, đời sống văn hóa- tâm linh của người dân nơi đây.

Hoàng Linh

Đền Bát Hải Long Vương trên miền di tích, danh thắng Bỉm Sơn

Bỉm Sơn là miền di tích, danh thắng, tín ngưỡng với những địa danh nổi tiếng như: hồ Cánh Chim, đèo Ba Dội, đền Sòng “thiêng nhất xứ Thanh” gắn với Lễ hội đền Sòng Sơn - Ba Dội, đền Chín Giếng... Ít ai biết rằng, trong bức tranh đa sắc, đa thanh ấy, đền thờ Bát Hải Long Vương (phường Phú Sơn, thị xã Bỉm Sơn) vẫn luôn bền bỉ sức sống, góp thêm mảnh ghép độc đáo, biểu tượng cho nét đẹp văn hóa - tín ngưỡng địa phương.

BHLV.png
Đền Bát Hải Long Vương tọa lạc trong một không gian thoáng đãng, cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, xanh mát bóng cây. Đây là nơi thờ phụng Vĩnh Công đại Vương, được Hùng Vương thứ 18 sắc phong thần hiệu là “Vĩnh Công Bát Hải Động Đình tôn thần”. Sách “Thanh Hóa chư thần lục” ghi chép: Vị thần được tôn thờ ở trang Phú Dương có hiệu duệ là “Bát Hải Long Vương tôn thần” - vị thủy thần hộ dân trên vùng sông, biển.
Thần tích kể lại rằng: Vào thời Hùng Vương thứ 18, ở vùng đất trong bãi bồi cửa sông Lâu xưa dân cư thưa thớt, nghề nông chưa phát triển, chủ yếu làm nghề chài lưới. Trong làng có một cô gái mồ côi cả cha lẫn mẹ, thường mò cua bắt ốc ven sông, được vợ chồng một ngư dân vùng bãi ngoài (Nga Sơn) nhận về làm con nuôi. Một lần nàng xuống tắm dưới sông Lâu, bỗng mây nổi, sóng cồn, một con Giao Long hiện lên quấn lấy nàng, sau đó nàng có thai. Một thời gian sau, trong đêm mưa gió, nàng sinh ra một cái bọc. Quá kinh hãi, nàng ôm cái bọc thả xuống dòng sông Lâu. Cái bọc ấy nhiều lần trôi đến bên bè của ông lão thuyền chài. Ông lão vớt lên, dùng dao rạch cái bọc thì thật bất ngờ từ trong chui ra 3 con hoàng xà (nửa rồng nửa rắn, mào đỏ, vẩy vàng) trong ánh hào quang tỏa ra chói lọi. Con lớn bơi thẳng vào bờ rồi biến mất. Hai con nhỏ bơi về phía cửa biển Thần Phù (Nga Sơn).
Cũng trong một đêm mưa to, gió lớn, sấm sét đùng đùng, dân trong vùng nghe âm vang tiếng nói khác thường từ cái giếng ven sông Lâu (nơi mà con hoàng xà lớn từng biến mất khi bơi vào bờ): “Ta là Thái tử Long cung, được vua cha sai lên giúp nước Nam đánh giặc”. Biết là có thần linh hiển báo, hôm sau, các bô lão trong làng đến bên bờ giếng đắp một ụ đất cao, thắp hương, cầu nguyện. Người dân đồng lòng đóng góp công sức, tiền của dựng một cái miếu thờ, gọi là miếu thủy thần để ngày ngày hương khói.
Giữa lúc thanh bình thì giặc phương Bắc tràn xuống bờ cõi nước Nam. Cánh quân thủy của giặc, vì có nội gián hướng đạo, theo 8 cửa biển lấn sâu vào nước ta với khí thế hừng hực, quan quân thua trận, rút dần từng bước. Vua lập đàn cầu, được ứng báo: Tại vùng bãi cửa sông Lâu, có kỳ nhân có thể đánh tan thủy tặc. Vua sai sứ giả về tìm, được dân làng đưa đến bến bên giếng. Chính tại giếng thần, hoàng xà hiện hình thành chàng trai lực lưỡng khôi ngô tuấn tú, theo thỉnh cầu của sứ giả mà linh ứng giúp nước, giúp dân đánh giặc phương Bắc xâm phạm trên 8 cửa biển, được vua phong Vĩnh Công đại Vương. Từ chối công danh, bổng lộc, Vĩnh Công xin được về quê để dạy dân khai hoang, rửa mặn trồng lúa, chài lưới, trồng dâu, nuôi tằm dệt vải, đồng thời cắt cử các quan đã từng theo đi đánh giặc trấn giữ tám cửa biển nước nam. Hằng năm, cứ đến dịp ngày đại thắng, các tướng từ nơi phục nhiệm của mình tề tựu trên đất Phú Dương để tâu trình về việc trông coi cửa biển, khai hoang lập ấp, xây dựng cuộc sống của cư dân. Cùng với đó, Vĩnh Công cho tổ chức bơi thuyền, thi vật, hát đúm khiến một vùng rộn ràng như vào hội... Vĩnh Công cùng tham gia hát đúm với người dân.
Một hôm, Vĩnh Công mời các vị hương lão trong làng Phú Dương đến dặn rằng: Ta cùng các vị là dân lân hương ấp, ăn ở với nhau như tình ruột thịt, nghĩa như cha con. Nay ta sắp phải vâng mệnh về chầu vua cha Lạc Long Quân. Nếu có nhớ đến ta thì nhà ta ở đây là miếu Sở, ngày ta đi sẽ là ngày giỗ”. Dân làng dâng biểu về kinh, vua thương xót ban phong thần hiệu “Vĩnh Công Bát Hải Động Đình tôn thần”, sai cấp tiền cho dân tổ chức táng tế chu đáo và sửa sang nơi ở của thần thành miếu điện, rồi lại hạ sắc miễn thuế cho dân lấy ân lộc ấy hằng năm mà hương khói.
Ngôi miếu thiêng thờ Bát Hải Long Vương được xây dựng thành ngôi đền khang trang vào thời Lê Trung hưng, sau đó đã trải qua trùng tu, tôn tạo. Theo các cụ cao niên trong làng, đền thờ Bát Hải Long Vương xưa được xây dựng theo kiến trúc kiểu chữ Đinh (J), gồm tiền tế và hậu cung. Năm 2009, đền Bát Hải Long Vương được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Theo thời gian, đền Bát Hải Long Vương xuống cấp nghiêm trọng. Trước thực trạng ấy, để đáp ứng nhu cầu văn hóa - tâm linh trong vùng; giáo dục và khơi dậy tinh thần yêu nước và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, năm 2018, đền được khởi công xây dựng, tôn tạo từ nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa. “Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống làng, xã vừa là trách nhiệm vừa thể hiện tấm lòng với quê hương, với các bậc tiền nhân. Nhận thức sâu sắc điều đó, khi UBND phường Phú Sơn kêu gọi công đức, đóng góp trùng tu, tôn tạo đền thờ thì nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa bàn, con em xa quê...”, bà Nguyễn Thị Mùi, công chức văn hóa - xã hội phường Phú Sơn chia sẻ. Đền được trùng tu, tôn tạo trên nền cũ, hướng mặt về phía sông Lâu. Nhà hậu cung có diện tích 180m2, được thiết kế hình chữ Đinh với hình thức bốn mái có đao. Phần mái (hoành, rui mè, tàu mái, lá mái) làm bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi hài. Cửa gỗ lim được làm theo dạng bức bàn “thượng song hạ bản”... Kết cấu công trình đơn giản nhưng gần gũi, lưu giữ được nhiều nét truyền thống...
Đền Bát Hải Long Vương lưu giữ nhiều giá trị lịch sử - văn hóa - tâm linh, trong đó không thể không kể đến lễ hội hằng năm diễn ra tại đây. Theo thần tích còn lưu lại, từ lệ cũ khi Vĩnh Công còn sống, hằng năm, các tướng đúng kỳ hẹn vẫn hội tụ về Phú Dương để dâng hương, tổ chức hội nhằm gợi lên không khí ngày đại thắng quân giặc năm nao, từ đó mà thành thông lệ, cư dân muôn phương đổ về, thành tâm chiêm bái và vui hội. Lễ hội đền Bát Hải Long Vương trở thành lễ hội truyền thống của địa phương, diễn ra trong 2 ngày 24 và 25/8 âm lịch. Lễ hội diễn ra với các hoạt động tín ngưỡng, văn hóa – văn nghệ đặc sắc, mang đậm sắc thái truyền thống, các hoạt động thể dục - thể thao quần chúng như: Lễ dâng hương, nghi lễ tế thần, múa lân mở hội, trang trí thuyền rồng, hạ thủy thuyền rồng, thi đấu bóng chuyền hơi, trò chơi đập niêu đất, chuyền bóng bằng muôi, hội diễn văn nghệ... Được biết, lễ hội đền Bát Hải Long Vương năm 2023 đã thu hút hơn 600 người tham gia...

Giữa nhịp sống hiện đại, trong những nỗi thấp thỏm, trăn trở về việc các di tích, giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống dần bị mai một, sức sống của ngôi đền và lễ hội đền Bát Hải Long Vương đã cho thấy sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành đối với hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích và thể hiện lòng tri ân sâu sắc của các thế hệ cháu con đối với công đức của tiền nhân, lòng thành kính với thần linh đã che chở, ban phước lành. Đó cũng là phần nào khẳng định sức sống đền Bát Hải Long Vương trong tâm thức, đời sống văn hóa- tâm linh của người dân nơi đây.

Hoàng Linh

CÔNG KHAI TIẾN ĐỘ GIẢI QUYẾT TTHC