Ký ức của người chiến sỹ Điện Biên đang sinh sống tại thị xã Bỉm Sơn.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 70 năm, Thanh Hóa là địa phương có đóng góp to lớn cả về sức người và sức của. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hàng nghìn người con Thanh Hóa đã trở thành bộ đội chủ lực, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến ... hòa mình vào chiến dịch “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non”, cùng với quân và dân cả nước làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Những chàng trai, cô gái mười tám đôi mươi ngày ấy, giờ đã ở tuổi xưa nay hiếm, mái tóc đã pha sương, mắt mờ, chân chậm, trí nhớ có phần mai một, nhưng ký ức về một thời hoa lửa vẫn còn vẹn nguyên.
Những ngày cả nước hướng về kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi tìm đến căn nhà số 7, đường Bùi Xương Trạch, phường Phú Sơn, thị xã Bỉm Sơn để gặp cựu chiến binh Nguyễn Văn Mỵ - một người lính đã từng chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ. Năm nay đã ở tuổi 95, râu tóc bạc phơ, nhưng ông vẫn nhanh nhẹn và minh mẫn. Trong căn nhà đơn sơ mà ấm cúng, ông Mỵ hồ hởi khoe là ngày 6/4 vừa qua, ông là người duy nhất đại diện cho những người đã từng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn tham dự Chương trình Gặp mặt, tri ân chiến sỹ Điện Biên, Thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với tỉnh Thanh Hóa tổ chức. Cầm trên tay chiếc Huy hiệu chiến sỹ Điện Biên đã bạc màu thời gian, người lính năm xưa bồi hồi nhớ lại những tháng ngày cùng đồng đội vào sinh, ra tử. Ông Mỵ nhập ngũ tháng 10 năm 1953, vào Trung đoàn 44, Quân khu 4. Sau thời gian huấn luyện tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, đầu năm 1954, đơn vị của ông nhận lệnh hành quân, vượt núi băng rừng vào chiến trường Điện Biên, bổ sung vào Đại đội 5, Tiểu đoàn 413, Trung đoàn 237, Đại đoàn 351.
Các tài liệu lịch sử có ghi lại rằng, trong chiến dịch Điện Biên, nếu như con đường cung cấp quân lương của ta là xe thồ, ô tô vượt suối băng đèo hàng trăm km thì con đường tiếp tế của địch chủ yếu và duy nhất là máy bay. Các chuyến bay từ Hà Nội mang những chiếc dù chứa vũ khí, đạn dược, thuốc men, lương thực, thực phẩm… Khi vòng vây của ta còn xa, máy bay lên tiếp tế cho địch bay thấp thả dù xuống các căn cứ và sân bay Mường Thanh rất dễ dàng, chúng đi thu một cách thoải mái. Nhưng khi vòng vây của ta ngày càng gần các cứ điểm thì địch muốn lấy dù của máy bay thả phải nổ súng yểm trợ, phi công cũng không thể bay thấp để thả dù mà chỉ còn cách bay cao tung dù xuống, làm cho hàng hóa bay từ phía. Vì thế ngoài việc chiến đấu, một số chiến sỹ được giao thêm nhiệm vụ đi đoạt dù của địch.
Là người nhanh nhẹn, tháo vát, ông Mỵ là một trong những người được phân công đi đoạt dù của địch. Ban ngày, ông và đồng đội phải nhớ vị trí dù rơi sang trận địa của ta, sau đó ban đêm ra lấy. Chiến lợi phẩm thu về gồm có vũ khí, thuốc men, đồ hộp, bánh kẹo, nước ngọt…
Theo mệnh lệnh của cấp trên, Tiểu đoàn của ông sau đó được bổ sung cho Đại đoàn 308 (nay là Sư đoàn 308 – Đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam) làm nhiệm vụ đào hào. Sau những trận mưa tầm tã, bộ đội ta phải vùi mình trong bùn đất, ngột ngạt, khó thở. Gian khổ là vậy nhưng không thể khuất phục được ý chí quyết tâm của những người lính cụ Hồ. Nhớ về những ngày tháng gian khổ ấy, ông đã sáng tác nên những vần thơ:
Nhớ ngày chiến dịch Điện Biên
Chiến hào xuất kích vượt lên diệt thù
Đêm ngày bao phủ sương mù
Chiến hào lội nước – bao giờ mới quên.
Trong ký ức của mỗi người lính Điện Biên năm xưa, cuộc chiến với quân thù khốc liệt đến mức có lúc tưởng chừng chỉ có đạn tránh người, chứ người không thể tránh được đạn, nhưng ai ai cũng hừng hực quyết tâm thực thi mệnh lệnh của cấp trên mà không màng đến sống – chết.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, giọng người lính già bỗng nghẹn lại khi nhắc về giây phút sinh tử cùng đồng đội. Thật vô tình đúng vào ngày Đài TT – TH Bỉm Sơn thực hiện phóng sự này cách đây 70 năm trước – ngày 14/4/1954, trong lúc làm nhiệm vụ đào hào giao thông trên đỉnh đồi E (đối diện đồi A1), ông cùng đồng đội bị địch phát hiện và tấn công. Đồng đội hy sinh, bản thân ông bị thương ở đầu. Ông kể: “Chúng nã pháo rất ác liệt, theo phản xạ, tôi lấy chiếc xẻng đang dùng đào hào để che lên đầu. Có lẽ chính điều đó đã giúp tôi thoát chết một cách kỳ diệu. Tôi bị trúng đạn ở đỉnh đầu, vì có lưỡi xẻng che, nên viên đạn không đi sâu, máu từ vết thương chảy xuống ướt sũng mặt, miệng mặn chát. Đưa tay lay đồng đội ở bên thì mới biết anh ấy đã hy sinh. Vết thương khiến tôi lịm đi. Lúc đó tôi chỉ nghĩ, thôi cứ nằm yên một lúc xem sao. Khi tỉnh dậy, tôi đã được đồng đội đưa đi cấp cứu. Sau khi phẫu thuật tôi được các bác sỹ lấy ra 4 mảnh đạn, vẫn còn 2 mảnh nữa trong đầu. Bảy mươi năm nay sống chung với những mảnh đạn, mỗi khi trái gió trở trời, đầu tôi lại đau nhức”
Sau khi bị thương, ông Mỵ được đưa đi điều trị, không còn tiếp tục tham gia chiến đấu. Dù không được chứng kiến thời khắc lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm Tướng Đờ - Cát xác nhận sự toàn thắng của QĐND Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng ông Mỵ vô cùng tự hào vì máu của mình và nhiều đồng đội đã thấm đẫm từng tấc đất, mét chiến hào, hòa vào lòng đất mẹ Điện Biên yêu thương.
70 năm đã qua đi, những ký ức của ông Mỵ về một thời hoa lửa là những mảnh ghép chân thực về lịch sử hào hùng của dân tộc, nhắc nhở thế hệ cháu con phải biết ơn những đóng góp, hy sinh của cha ông đi trước, biết trân trọng hòa bình, tiếp tục phát huy tinh thần, hào khí Điện Biên, ra sức lao động, học tập để dựng xây quê hương ngày càng tươi đẹp.
Hà Nghĩa
Tin cùng chuyên mục
-
Phường Đông Sơn sẵn sàng cho công tác khảo nghiệm giống lúa mới.
-
Lan tỏa những tấm gương hiến đất – mở đường.
-
Phát huy vai trò của các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ.
-
Điện lực khu vực thị xã Bỉm Sơn - Hà Trung khai thác, vận hành hiệu quả lưới điện thông minh
Ký ức của người chiến sỹ Điện Biên đang sinh sống tại thị xã Bỉm Sơn.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 70 năm, Thanh Hóa là địa phương có đóng góp to lớn cả về sức người và sức của. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hàng nghìn người con Thanh Hóa đã trở thành bộ đội chủ lực, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến ... hòa mình vào chiến dịch “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non”, cùng với quân và dân cả nước làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Những chàng trai, cô gái mười tám đôi mươi ngày ấy, giờ đã ở tuổi xưa nay hiếm, mái tóc đã pha sương, mắt mờ, chân chậm, trí nhớ có phần mai một, nhưng ký ức về một thời hoa lửa vẫn còn vẹn nguyên.
Những ngày cả nước hướng về kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi tìm đến căn nhà số 7, đường Bùi Xương Trạch, phường Phú Sơn, thị xã Bỉm Sơn để gặp cựu chiến binh Nguyễn Văn Mỵ - một người lính đã từng chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ. Năm nay đã ở tuổi 95, râu tóc bạc phơ, nhưng ông vẫn nhanh nhẹn và minh mẫn. Trong căn nhà đơn sơ mà ấm cúng, ông Mỵ hồ hởi khoe là ngày 6/4 vừa qua, ông là người duy nhất đại diện cho những người đã từng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn tham dự Chương trình Gặp mặt, tri ân chiến sỹ Điện Biên, Thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với tỉnh Thanh Hóa tổ chức. Cầm trên tay chiếc Huy hiệu chiến sỹ Điện Biên đã bạc màu thời gian, người lính năm xưa bồi hồi nhớ lại những tháng ngày cùng đồng đội vào sinh, ra tử. Ông Mỵ nhập ngũ tháng 10 năm 1953, vào Trung đoàn 44, Quân khu 4. Sau thời gian huấn luyện tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, đầu năm 1954, đơn vị của ông nhận lệnh hành quân, vượt núi băng rừng vào chiến trường Điện Biên, bổ sung vào Đại đội 5, Tiểu đoàn 413, Trung đoàn 237, Đại đoàn 351.
Các tài liệu lịch sử có ghi lại rằng, trong chiến dịch Điện Biên, nếu như con đường cung cấp quân lương của ta là xe thồ, ô tô vượt suối băng đèo hàng trăm km thì con đường tiếp tế của địch chủ yếu và duy nhất là máy bay. Các chuyến bay từ Hà Nội mang những chiếc dù chứa vũ khí, đạn dược, thuốc men, lương thực, thực phẩm… Khi vòng vây của ta còn xa, máy bay lên tiếp tế cho địch bay thấp thả dù xuống các căn cứ và sân bay Mường Thanh rất dễ dàng, chúng đi thu một cách thoải mái. Nhưng khi vòng vây của ta ngày càng gần các cứ điểm thì địch muốn lấy dù của máy bay thả phải nổ súng yểm trợ, phi công cũng không thể bay thấp để thả dù mà chỉ còn cách bay cao tung dù xuống, làm cho hàng hóa bay từ phía. Vì thế ngoài việc chiến đấu, một số chiến sỹ được giao thêm nhiệm vụ đi đoạt dù của địch.
Là người nhanh nhẹn, tháo vát, ông Mỵ là một trong những người được phân công đi đoạt dù của địch. Ban ngày, ông và đồng đội phải nhớ vị trí dù rơi sang trận địa của ta, sau đó ban đêm ra lấy. Chiến lợi phẩm thu về gồm có vũ khí, thuốc men, đồ hộp, bánh kẹo, nước ngọt…
Theo mệnh lệnh của cấp trên, Tiểu đoàn của ông sau đó được bổ sung cho Đại đoàn 308 (nay là Sư đoàn 308 – Đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam) làm nhiệm vụ đào hào. Sau những trận mưa tầm tã, bộ đội ta phải vùi mình trong bùn đất, ngột ngạt, khó thở. Gian khổ là vậy nhưng không thể khuất phục được ý chí quyết tâm của những người lính cụ Hồ. Nhớ về những ngày tháng gian khổ ấy, ông đã sáng tác nên những vần thơ:
Nhớ ngày chiến dịch Điện Biên
Chiến hào xuất kích vượt lên diệt thù
Đêm ngày bao phủ sương mù
Chiến hào lội nước – bao giờ mới quên.
Trong ký ức của mỗi người lính Điện Biên năm xưa, cuộc chiến với quân thù khốc liệt đến mức có lúc tưởng chừng chỉ có đạn tránh người, chứ người không thể tránh được đạn, nhưng ai ai cũng hừng hực quyết tâm thực thi mệnh lệnh của cấp trên mà không màng đến sống – chết.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, giọng người lính già bỗng nghẹn lại khi nhắc về giây phút sinh tử cùng đồng đội. Thật vô tình đúng vào ngày Đài TT – TH Bỉm Sơn thực hiện phóng sự này cách đây 70 năm trước – ngày 14/4/1954, trong lúc làm nhiệm vụ đào hào giao thông trên đỉnh đồi E (đối diện đồi A1), ông cùng đồng đội bị địch phát hiện và tấn công. Đồng đội hy sinh, bản thân ông bị thương ở đầu. Ông kể: “Chúng nã pháo rất ác liệt, theo phản xạ, tôi lấy chiếc xẻng đang dùng đào hào để che lên đầu. Có lẽ chính điều đó đã giúp tôi thoát chết một cách kỳ diệu. Tôi bị trúng đạn ở đỉnh đầu, vì có lưỡi xẻng che, nên viên đạn không đi sâu, máu từ vết thương chảy xuống ướt sũng mặt, miệng mặn chát. Đưa tay lay đồng đội ở bên thì mới biết anh ấy đã hy sinh. Vết thương khiến tôi lịm đi. Lúc đó tôi chỉ nghĩ, thôi cứ nằm yên một lúc xem sao. Khi tỉnh dậy, tôi đã được đồng đội đưa đi cấp cứu. Sau khi phẫu thuật tôi được các bác sỹ lấy ra 4 mảnh đạn, vẫn còn 2 mảnh nữa trong đầu. Bảy mươi năm nay sống chung với những mảnh đạn, mỗi khi trái gió trở trời, đầu tôi lại đau nhức”
Sau khi bị thương, ông Mỵ được đưa đi điều trị, không còn tiếp tục tham gia chiến đấu. Dù không được chứng kiến thời khắc lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm Tướng Đờ - Cát xác nhận sự toàn thắng của QĐND Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng ông Mỵ vô cùng tự hào vì máu của mình và nhiều đồng đội đã thấm đẫm từng tấc đất, mét chiến hào, hòa vào lòng đất mẹ Điện Biên yêu thương.
70 năm đã qua đi, những ký ức của ông Mỵ về một thời hoa lửa là những mảnh ghép chân thực về lịch sử hào hùng của dân tộc, nhắc nhở thế hệ cháu con phải biết ơn những đóng góp, hy sinh của cha ông đi trước, biết trân trọng hòa bình, tiếp tục phát huy tinh thần, hào khí Điện Biên, ra sức lao động, học tập để dựng xây quê hương ngày càng tươi đẹp.
Hà Nghĩa