Truy cập

Hôm nay:
4050
Hôm qua:
4908
Tuần này:
33299
Tháng này:
109359
Tất cả:
8235840

TÓM TẮT QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP VÀ PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ QUA CÁC KỲ ĐẠI HỘI CỦA ĐẢNG BỘ THỊ XÃ BỈM SƠN

1-Thành lập Thị trấn Bỉm Sơn: Ngày 29/6/1977, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng đã ký Quyết định 140/BT phê chuẩn việc thành lập Thị trấn Bỉm Sơn trực thuộc tỉnh Thanh Hoá.

2-Thành lập Thị xã Bỉm Sơn: Ngày18/12/1981,Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành quyết định số 157-QĐ/HĐBT thành lập Thị xã Bỉm Sơn.

3-Thành lập Đảng bộ Bỉm Sơn: Ngày 7/11/1977, tại Hội trường Đoàn Địa chất 306 (Bỉm Sơn), đồng chí Hà Trọng Hòa thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa công bố Quyết định số 1014QĐ/TU, ngày 26/10/1977 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá “Quyết định Ban Chấp hành lâm thời thị Đảng bộ Bỉm Sơn” gồm 9 đồng chí; đồng chí Phạm Như Nhuần là Bí thư, đồng chí Tống Văn Ký Phó Bí thư.

Ban Chấp hành Đảng bộ Bỉm Sơn lấy ngày 7/11/1977 là ngày thành lập Đảng bộ. Ngày 8/11/1977, Ban Th­ường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá ban hành Quyết định số 1026/QĐ-TU chuyển một số đảng bộ, chi bộ trực thuộc Huyện uỷ Trung Sơn (nay là Hà Trung) trực thuộc Thị uỷ Bỉm Sơn gồm: Đảng bộ Trư­ờng Đo đạc bản đồ và Quản lý ruộng đất, Đảng bộ Công ty Xây dựng số 3 Thanh Hóa, Đảng bộ Công ty Lắp máy 45, Đảng bộ Trường đào tạo Công nhân sản xuất xi-măng, các chi bộ Ban kiến thiết Bỉm Sơn, Xí nghiệp Gạch Bỉm Sơn, Cửa hàng Thực phẩm Bỉm Sơn, Cửa hàng Bách hoá Bỉm Sơn, Cửa hàng Chất đốt Bỉm Sơn, Đồn Công an Bỉm Sơn và chi bộ Khách sạn Chuyên gia Bỉm Sơn.

Ban Chấp hành Đảng bộ Bỉm Sơn lấy ngày 7/11/1977 là ngày thành lập Đảng bộ.

            4-Các Nhiệm kỳ Đại hội:

Trải qua 10 nhiệm kỳ Đại hội, Đảng bộ và nhân dân thị xã Bỉm Sơn luôn đoàn kết, sáng tạo, chung sức, chung lòng vượt qua mọi khó khăn, kiên định mục tiêu lý tưởng Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn, xây dựng Bỉm Sơn phát triển từ một Thị trấn nghèo nàn, lạc hậu, đến nay đã trở thành đô thị công nghiệp là hạt nhân vùng kinh tế động lực phía Bắc của tỉnh Thanh Hoá.
* Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần thứ I, nhiệm kỳ (1979-1983): 

Vòng 1: Từ ngày 30 đến 31/4/1978 tại Hội trường -Trường Trung học Đo đạc, có 73 đại biểu đại diện cho 594 đảng viên của 21 đảng bộ, chi bộ trực thuộc dự. Đại hội xác định phương hướng chung là: Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực tổ chức quản lý của chính quyền, phát huy cao độ tinh thần làm chủ tập thể của cán bộ CNVC; đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, tiết kiệm, xây dựng Thị trấn Bỉm Sơn giầu đẹp, văn minh.

Vòng 2: Từ 27/2 đến 2/3/1979 tại Hội trườngCông ty Xây dựng số 3, có 73 đại biểu của 21 đảng bộ, chi bộ trực thuộc dự. Đại hội bầu BCH đảng bộ 15 đồng chí. Đồng chí Hoàng Đình Quế được bầu làm Bí thư BCH Đảng bộ.

* Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần thứ II, nhiệm kỳ (1983-1986) diễn ra từ ngày 11 đến ngày 13/3/1983, tại Hội trường Xí nghiệp Liên hiệp Lắp máy 45. Dự Đại hội có 109 Đại biểu của 31 đảng bộ, chi bộ trực thuộc. Đại hội đề ra phương hướng chung: Phát huy sức mạnh của chế độ làm chủ tập thể, ra sức khai thác tiềm năng, đẩy mạnh phát triển CN-TTCN, Nông nghiệp; làm tốt phân phối lưu thông, giải quyết việc làm và bảo đảm đời sống người lao động; giữ vững ANCT bảo đảm TT.ATXH; xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, từng bước xây dựng thị xã Bỉm Sơn giầu về kinh tế, mạnh về QP-AN, đẹp về nếp sống văn hoá- là trung tâm kinh tế, văn hoá phía Bắc của Tỉnh.

Đại hội bầu BCH gồm 21 đồng chí uỷ viên chính thức và 2 đồng chí uỷ viên dự khuyết. Đồng chí Hoàng Đình Quế được bầu làm Bí thư BCH Đảng bộ.

* Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần thứ III, nhiệm kỳ (1986-1989) diễn ra từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 10 năm 1986, tại Hội trường Khách sạn 7 tầng Nhà máy Xi-măng Bỉm Sơn. Đến dự Đại hội có 136 Đại biểu đại diện cho 34 tổ chức cơ sở Đảng, 2.232 đảng viên toàn Đảng bộ. Đại hội đề ra phương hướng chung là: Phát huy sức mạnh tổng hợp, khai thác tốt những tiềm năng sẵn có về đất đai, lao động, năng lực để đẩy mạnh sản xuất CN-TTCN, Nông nghiệp, Dịch vụ;Tổ chức tốt đời sống của CNVC và nhân dân; giải quyết việc làm cho người lao động; giữ vững ANCT -TT.ATXH; xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Đại hội bầu BCH gồm 35 đồng chí, trong đó 29 uỷ viên chính thức và 6 uỷ viên dự khuyết. Đồng chí Lê Văn Tu được bầu làm Bí thư BCH Đảng bộ.

* Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần thứ IV, nhiệm kỳ (1989-1990) diễn ra từ ngày 23-24/3/1989, tại Nhà hát công nhân thị xã; có 135 Đại biểu đại diện cho 2.405 đảng viên của 39 Đảng bộ, chi bộ trực thuộc về dự. Phương hướng chung Đại hội đề ra trong hai năm (theo chỉ đạo và hướng dẫn Đại hội lúc bấy giờ, nhiệm kỳ này đối với Đảng bộ Bỉm Sơn chỉ có 02 năm 1989-1990) là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế. Phát huy sức mạnh tổng hợp trên địa bàn, khai thác thế mạnh từ sản phẩm xi- măng và tiềm năng của Nhà máy Xi- măng mà đi lên... Hoàn thiện cơ cấu kinh tế của thị xã: CN-TTCN, Nông nghiệp, Thương nghiệp- dịch vụ; từng bước xây dựng thị xã Bỉm Sơn thành thị xã công nghiệp vật liệu xây dựng, giầu đẹp.

Đại hội bầu BCH gồm 26 uỷ viên chính thức và 01 uỷ viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Trí Thức được bầu làm Bí thư BCH Đảng bộ.

* Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần thứ V nhiệm kỳ (1991-1995) diễn ra từ 29/10 đến 01/11/1991, tại Nhà hát Công nhân thị xã. Đến dự Đại hội có 145 đại biểu đại diện cho 2.700 đảng viên của 41 Đảng bộ chi bộ trực thuộc. Đại hội đã xác định phương hướng chung là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và sức chiến đấu của đảng bộ, vượt qua khó khăn thử thách, ổn định kinh tế trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp, khai thác tiềm năng thế mạnh của thị xã, thực hiện cơ cấu kinh tế CN-TTCN, Nông-Lâm nghiệp, Dịch vụ; giải quyết việc làm, ổn định và cải thiện đời sống, giữ vững ANCT-TT.ATXH xây dựng nếp sống văn minh đô thị, đẩy lùi tiêu cực, từng bước xây dựng Thị xã Bỉm Sơn giầu đẹp.

Đại hội bầu BCH 27 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Trí Thức được bầu làm Bí thư Đảng bộ. Từ ngày 22 đến 23 tháng 3 năm 1994 Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ bầu bổ sung 04 Uỷ viên BCH đưa tổng số Uỷ viên BCH khoá V lên 31 đồng chí.

* Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần thứ VI, nhiệm kỳ (1996-2000) diễn ra từ ngày  21 đến 23/3/1996 tại Nhà hát công nhân thị xã. Dự Đại hội có 182 Đại biểu thay mặt cho 2.857 đảng viên của 34 Đảng bộ và chi bộ trực thuộc. Phương hướng Đại hội VI đề ra là: Tiếp tục đổi mới và chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, huy động mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng thế mạnh của thị xã công nghiệp vật liệu xây dựng; thực hiện cơ cấu kinh tế: “Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp-dịch vụ và nông lâm nghiệp” theo hướng phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị xã hội, tăng cường quốc phòng an ninh; phấn đấu xây dựng thị xã Bỉm Sơn giàu đẹp, công bằng, văn minh.

Đại hội bầu BCH gồm 29 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Văn Phép được bầu làm Bí thi Đảng bộ.

* Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần thứ VII nhiệm kỳ (2000-2005) diễn ratừ ngày 26 đến ngày 28/11/2000 Tại hội tr­ường Ủy ban nhân dân thị xã Bỉm Sơn.Về dự Đại hội có 110 đại biểu đại diện cho 2.600 đảng viên trong toàn đảng bộ. Đại hội đã đề ph­ương hư­ớng chung là: Phát huy sức mạnh tổng hợp của Đảng bộ và nhân dân, tiếp tục đổi mới toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tranh thủ thời cơ thuận lợi, khắc phục khó khăn thử thách, tăng c­ường khai thác và sử dụng tốt các nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ tăng tr­ởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo định hướng "Công nghiệp - xây dựng; Th­ương mại- Dịch vụ; Nông - Lâm nghiệp". Kết hợp tăng tr­ởng kinh tế với củng cố quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Xây dựng Đảng bộ thị xã trong sạch vững mạnh; cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện dân chủ và công bằng xã hội, xây dựng thị xã ngày càng giàu đẹp, văn minh.

            Đại hội bầu Ban Chấp hành 33 đồng chí.Đồng chí Nguyễn Văn Phép được bầu làm Bí thư Đảng bộ, đồng chí Nguyễn Quốc Trình - Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Đồng chí Lê Đức Hạnh-Phó Bí thư - Chủ tịch UBND Thị xã.

         Tháng 4 năm 2004 sau bầu cử HĐND các cấp nhân sự khóa VII có sự thay đổi: Tháng 5/2004 đồng chí Tạ Ngọc Phước được bầu Phó BT- Chủ tịch UBND Thị xã.

         Tháng 12/2004 đồng chí Nguyễn Quốc Trình được bầu Bí thư đảng bộ thay đồng chí Nguyễn Văn Phép nghỉ bảo hiểm xã hội. Tháng 5/2005 đồng chí Nguyễn Ngọc Tú được bầu làm Phó Bí thư Thường trực Thị ủy.

* Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần thứ VIII, nhiệm kỳ (2005-2010) diễn ra từ ngày 26 đến ngày 28/10/2005 tại Nhà hát Công nhân Thị xã. Dự đại hội có 118 Đại biểu thay mặt cho hơn 3.000 đảng viên của 39 tổ chức cơ sở Đảng. Đại hội đề ph­ương hư­ớng chung là: Tích cực thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá khai thác tiềm năng, thế mạnh của thị xã; tranh thủ phát huy mọi nguồn lực để phát triển công nghiệp, dịch vụ với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, nông nghiệp và nông thôn phát triển vững chắc. Đẩy nhanh tốc độ chỉnh trang, xây dựng và phát triển đô thị theo hướng hiện đại. Thực hiện tốt các vấn đề Văn hoá-Xã hội, giữ vững Quốc phòng- An ninh. Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

        Đại hội bầu BCH đảng bộ gồm 35 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Quốc Trình được bầu làm Bí thư Đảng bộ. Đồng chí Nguyễn Ngọc Tú phó BT Thường trực; Đồng chí Tạ Ngọc Phước phó BT - Chủ tịch UBND Thị xã.

      Đến tháng 5/ 2009, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Xuân – Tỉnh ủy viên, Phó Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định luân chuyển về Bỉm Sơn giữ Bí thư Thị ủy thay đồng chí Nguyễn Quốc Trình nghỉ bảo hiểm xã hội.

             * Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ IX, nhiệm kỳ (2010-2015) diễn ra từ ngày 16 đến ngày 18//7/2010, tại Nhà hát Công nhân thị xã. Có 221 đại biểu thay mặt cho hơn 3.500 đảng viên trong toàn đảng bộ về dự. Đại hội đề ra phương hướng chung là: Tích cực thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH-HĐH khai thác tiềm năng, thế mạnh; phát huy mọi nguồn lực để phát triển công nghiệp, dịch vụ với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, nông nghiệp và nông thôn phát triển vững chắc. Đẩy nhanh tốc độ xây dựng, chỉnh trang phát triển đô thị theo hướng hiện đại. Không ngừng nâng cao chất lượng lĩnh vực văn hoá-xã hội; giữ vững và tăng cường quốc phòng- an ninh; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát triển thị xã thành đô thị công nghiệp hiện đại, là hạt nhân vùng kinh tế động lực phía Bắc của tỉnh. Phấn đấu đến 2015 trở thành đô thị loại 3. 

        Đại hội bầu BCH gồm 35 đồng chí. Đồng chí Tạ Ngọc Phước được bầu làm Bí thư Đảng bộ. Đồng chí Nguyễn Tiến Thuận được bầu làm Phó Bí thư Thường trực Thị ủy; Đồng chí Lê Văn Dũng được bầu làm Phó Bí thư-Chủ tịch UBND Thị xã.

       Thực hiện quyết định luân chuyển cán bộ của Ban Thường vụ Thị ủy, đồng chí Bùi Huy Hùng- Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn được luân chuyển công tác  về Bỉm Sơn. Ngày 12/4/2013 HĐND Thị xã họp phiên bất thường bầu đồng chí Bùi Huy Hùng - Phó Bí thư Thị uỷ giữ chức vụ Chủ tịch UBND Thị xã thay đồng chí Lê Văn Dũng được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ điều động  luân chuyển lên giữ chức Phó Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND Tỉnh từ ngày 01/4/2013.

* Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ X, nhiệm kỳ (2015-2020): Diễn ra từ ngày 2 đến ngày 4/8/2015, tại Nhà hát Công nhân thị xã. Có 245 đại biểu thay mặt cho hơn 4.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ về dự. Đại hội đã đề ra Phương hướng chung là: Huy động mọi nguồn lực để phát triển công nghiệp, dịch vụ với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững; phát triển nông, lâm nghiệp và hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đẩy nhanh tốc độ phát triển đô thị xanh, sạch, đẹp từng bước hiện đại. Không ngừng nâng cao chất lượng văn hoá-xã hội; giữ vững và tăng cường quốc phòng- an ninh; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện. Xây dựng thị xã trở thành Thành phố trực thuộc tỉnh Thanh Hóa trước năm 2020.

Đại hội đã bầu BCH gồm 35 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Tiến Thuận được bầu làm Bí thư Thị ủy. Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng được bầu làm Phó Bí thư Thường trực Thị ủy. Đồng chí Bùi Huy Hùng được bầu làm Phó Bí thư - Chủ tịch UBND Thị xã.

 Những chỉ tiêu chính cần đạt được trong nhiệm kỳ X:

1-Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm 13,1%
2-Cơ cấu các ngành kinh tế trong giá trị sản xuất đến năm 2020:
                           +CN-XD  72,9%; DV-TM  26,0%; Nông-Lâm- Thủy sản  1,1%
3-Sản lượng lương thực có hạt bình quân hàng năm 7.000 tấn
4-Tổng giá trị xuất khẩu năm 2020 đạt 210 triệu USD, gấp 1,8 lần  năm 2015.
5-Tổng huy động vốn đầu tư phát triển thời kỳ 2016 – 2020: 18.143 tỷ đồng, gấp 2,6 lần  thời kỳ 2011 - 2015.
6-Thu nhập bình quân năm 2020: 80,1 Tr.đ/ng/năm, tăng 20 % năm 2015.
7- Thu, chi ngân sách hàng năm tăng 12,0 (%); Đến năm 2020:
                       + Thu ngân sách địa bàn 1.022 tỷ đồng, tăng BQ  12,0% năm.
                       + Thu ngân sách thị xã 519 tỷ đồng, tăng BQ 12,0% năm.
                       + Chi ngân sách thị xã  519 tỷ đồng, tăng BQ 12,0% năm.
8- Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020: 100%.
9- Tỷ lệ đô thị hóa: 90%.
10- Tỷ lệ đường giao thông trên địa bàn (không tính quốc lộ và tỉnh lộ) được cứng hóa đến năm 2020: 100%.
11- Tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm: 1,5% trong đó tăng tự nhiên: 0,27% tăng cơ học : 1,23 % .
12-Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia năm 2020:  90%
13-Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động vào năm 2020: 10%
14- Tỷ lệ xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn II vào năm 2020: 100% .
15- Tỷ lệ làng, khu phố, thôn, xóm được công nhận danh hiệu đơn vị văn hóa đạt 95,3%. Tỷ lệ làng, khu phố, thôn, xóm được công nhận giữ vững danh hiệu đơn vị văn hóa bình quân đạt 75%.
16- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi  suy dinh dưỡng đến năm 2020 còn: 8,0%. 
17- Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2020 (Theo tiêu chí cũ) còn dưới 1%.
18- Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020: 80% .
19- Số người được giải quyết việc làm mới 5 năm (2016-2020): 10.486   người.
20- Đến năm 2020: Trên 60% lực lượng lao động đóng bảo hiểm xã hội; trên 45% tham gia bảo hiểm thất nghiệp; trên 90% dân số tham gia bảo hiểm y tế.
21-Tỷ lệ nhà ở kiên cố đến năm 2020: 100%.
22-Tỷ lệ phường đạt Kiểu mẫu (đạt chuẩn văn minh đô thị) là 50%.
23- Tỷ lệ che phủ rừng năm 2020: 22%.
24-Tỷ lệ dân số đô thị được dùng nước sạch năm 2020: 100%
25-Tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh vào năm 2020: 97%.
26-Tỷ lệ khu dân cư đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh trật tự năm 2020: 70%.
27- Hằng năm TCCS Đảng đạt danh hiệu TSVM từ 80% trở lên, không có TCCS Đảng yếu kém; Đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trên 80%;
28- Chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội đạt vững mạnh
29- Thành lập 5 tổ chức Đảng và 15 tổ chức đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước.
30- Kết nạp 600 đảng viên trở lên.

* Các chương trình trọng tâm:

1. Chương trình phát triển Công nghiệp - Dịch vụ:

Tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp theo hướng đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào khu công nghiệp của thị xã. Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng dịch vụ, để phát triển thị xã trở thành trung tâm TM-DV vùng phía Bắc của Tỉnh. Thực hiện tốt công tác trùng tu, tôn tạo các công trình di tích, danh thắng, tạo sự chuyển biến mạnh trong phát triển du lịch tâm linh.

            2. Chương trình phát triển đô thị xanh, sạch, đẹp, từng bước hiện đại: 

Tập trung tối đa nguồn lực để phát triển hạ tầng đô thị; chú trọng hình thành các công trình tiện ích công cộng, như: khu công viên cây xanh, khu vui chơi giải trí; đầu tư các công trình hạ tầng cấp nước, thoát nước, chiếu sáng công cộng; sớm xây dựng cơ sở xử lý chắt thải rắn của Thị xã; từng bước xây dựng thị xã trở thành đô thị xanh, sạch, đẹp và phát triển bền vững.

* Về các đột phá trong nhiệm kỳ 
 
 1.Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn các nhà đầu tư vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thị xã.

 2. Phát triển nhanh, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; trong đó, ưu tiên nguồn lực cho các công trình nhằm cải thiện môi trường của Thị xã.

 3. Kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

* Giải pháp thực hiện:

1. Đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển sản xuất công nghiệp; tạo bước chuyển biến mạnh về cơ cấu sản phẩm, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế. 

2. Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ngành dịch vụ, nâng cao chất lượng các hoạt động  dịch vụ; từng bước phát triển thị trường vốn, lao động, công nghệ trên địa bàn.

3. Phát triển nông - lâm nghiệp-thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao trên một đơn vị diện tích; gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới.

4. Phát triển doanh nghiệp và các thành phần kinh tế; xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh.

5. Nâng cao năng lực quản lý quy hoạch, trật tự đô thị; ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, hạ tầng văn hóa - xã hội, kết hợp với chỉnh trang đô thị nhằm phát triển đô thị bền vững.

6. Phát triển và quản lý tốt nguồn thu ngân sách; đẩy mạnh nguồn thu ngân sách từ quỹ đất, nguồn vốn xã hội hóa và nguồn vốn hợp pháp khác đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển.
 
7. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường.

8. Giữ vững và phát huy kết quả sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo; coi trọng phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động các lĩnh vực văn hóa thông tin, thể dục thể thao và du lịch; tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân; quan tâm về đời sống xã hội, giải quyết việc làm, bảo vệ môi trường và giải quyết vấn đề môi trường.

9. Tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội có hiệu quả.   
 
10. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền các cấp vững mạnh.

11. Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; Đổi mới toàn diện công tác xây dựng Đảng; trọng tâm là đổi mới công tác cán bộ, phương thức lãnh đạo và phong cách làm việc của cấp uỷ và các tổ chức Đảng, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

            Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nay là Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”./.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

CÔNG KHAI TIẾN ĐỘ GIẢI QUYẾT TTHC